Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

20/12/13

TĂM NHÂN ĐẠO VÀ SỰ VÔ CẢM

Hồ Như Hiển


Miếng khi đói, gói khi no
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng
Gia huấn ca  - Nguyễn Trãi

   Chẳng biết trên thế giới, còn nước nào dùng tăm hay không. Tìm hiểu trên mạng được biết, dùng tăm xỉa răng sẽ gây rách nướu răng, viêm chân răng, sâu răng. Ở các nước văn minh, họ dùng chỉ nha khoa hoặc đánh đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn.

   Đến bây giờ, người dân nước mình vẫn dùng tăm sau khi ăn (mình cũng vậy). Đó là một trong những biểu hiện của một xã hội lạc hậu.

   Hơn chục năm trước mình đi học, nhà trường bắt phải mua tăm nhân đạo. Bây giờ những đứa em của mình đi học, cũng bị ép phải nhân đạo. Những gói tăm được khoán về lớp. Tăm bị vất vãi tung tóe khắp lớp học. Những chiếc tăm buồn bã, cô độc, mỏng manh, gầy gò như thân phận người làm ra chúng và phận người buộc phải mua chúng. Hình như đấy là sự phản ứng tự nhiên, khi các em bị “buộc phải nhân đạo”.

   Thế giới ngày nay đã bước sang nền kinh tế tri thức. Vậy mà những người có trách nhiệm khai sáng thế hệ trẻ, khai sáng cộng đồng lại không hiểu cái phi khoa học khi dùng tăm? Nếu chiếc tăm vẫn còn “sứ mệnh lịch sử” ở trong xã hội ta, chẳng lẽ họ không còn cách nào khác để giáo dục tinh thần tương thân tương ái cho các em? Ví dụ, tổ chức cho các em học sinh đến tham quan cơ sở sản xuất tăm của người khiếm thị, người khuyết tật. Nếu không tổ chức được như  thế, có thể chiếu những clip về việc sản xuất tăm nhân đạo, từ đó nói về tinh thần lá lành đùm lá rách của cha ông. Rồi khuyến khích các em mua tăm tùy theo điều kiện của mỗi em. Họ không thấy sự phản nhân văn trong việc hành chính hóa lòng nhân đạo, hành chính hóa lòng trắc ẩn, hành chính hóa tâm hồn các em khi khoán các em mua tăm nhân đạo theo định mức?

   Với một cơ chế thiếu công khai minh bạch, người ta có quyền nghi ngờ những đồng tiền mua “tăm nhân đạo” của các em học sinh, khi đến tay người làm ra chúng, ít nhiều đã bị ngót đi.

   Cứ cho rằng, người viết bài này có cái nhìn thiếu tích cực. Vậy xin hỏi:

   Hồi còn đi học, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường có mua tăm nhân đạo không mà ông ấy ném xác phi tang khách hàng của mình?

   Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, các bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non có phải mua tăm nhân đạo không mà bây giờ họ lại có những hành động dã man đến thế với các em bé?
   Các em được giáo dục lòng trắc ẩn, vậy sao các vụ bạo lực học đường ngày càng tiếp diễn? 
   Vì sao trường học nào cũng giáo dục các em lòng nhân đạo, cách sống đẹp theo kiểu như vậy mà có việc hôi bia của tài xế, chen lấn nhau trong các lễ hội hoa?
   Những chiếc tăm đó đã hình thành nhân cách con người thế nào, để bây giờ chúng ta có một xã hội không ngày nào mà không có tin cướp giết hiếp trên các mặt báo? Vụ sau tàn độc, kinh hoàng hơn vụ trước. Và lòng người cũng nguội lạnh hơn, bàng quan hơn, coi như đó là “chuyện thường ngày ở huyện”?

   Giáo dục các em lòng nhân đạo mà sao chính người làm giáo dục lại vô cảm với hoàn cảnh các em?

20/12/2013
HNH 
***

GIA HUẤN CA 
Nguyễn Trãi



" ... Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc Trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ,
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn,
Thương người quan quả cô đơn,
Thương người lỡ bước lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn,
Thương người như thể thương thân.
Người ta phải bước khó khăn đến nhà,
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên,
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phế, chẳng nên cầm lòng,
Tiếng rằng ngày đói tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho,
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng,
Của là muôn sự của chung,
Sống không, thác lại tay không có gì.
Ở sao cho có nhân nghì..."

VIỆT NAM YÊU DẤU